Cách thực hành tha thứ


Phương cách thực hành tha thứ này có ba phần: 1-Sự tha thứ từ người khác, 2- Tha thứ cho bản thân, 3 -Tha thứ cho người đã làm tổn hại ta. Các cách thực hành này không bó buộc, nên nếu bạn cảm thấy không cần cầu xin sự tha thứ, thì bạn không tham gia. Nếu bạn cảm thấy không thể tha thứ cho bản thân, bạn có thể ngồi im lặng, quan sát xem có cánh cửa nào dù nhỏ hẹp hé mở trong trái tim để cho chút ánh sáng nhỏ nhoi nhất có thể len vào. Và nếu bạn cảm thấy không thể nào tha thứ cho người vì nghĩ là việc làm của họ không thể nào có thể được tha thứ, thì bạn cũng cần biết điều đó. Trong quá trình thực hành, ta quán chiếu xem mình đang ôm ấp nỗi đau xót, chua cay nào, và nó dày vò trái tim ta như thế nào. Nếu như bạn chỉ có thể tha thứ một phần rất nhỏ,thì cũng không sao. Đây là một quá trình tháo gỡ mà đôi khi cần cả đời người để làm việc đó.

Có thể bạn không nên bắt đầu bằng những việc trọng đại mà cho đến bây giờ bạn vẫn chưa muốn tha thứ. Có thể bạn nên bắt đầu bằng những việc nhỏ. Hãy để tâm bạn được làm quen với việc thực hành tha thứ. Cũng giống như khi tập thể lực, ta không thể bắt đầu bằng việc nâng cân nặng 250 ký. Ta phải bắt đầu bằng các cục sắt nhỏ, để bắp thịt bắt đầu làm việc. Rồi dần dần ta nâng ký lên. Cũng thế, khi tập hành tha thứ, ta bắt đầu bằng những việc nhỏ, rồi dần dần khả năng tha thứ của ta sẽ lớn mạnh để ta có thể đối mặt với khổ đau - khổ đau của bản thân cũng như của người - với tâm từ.

Hãy ngồi thoải mái, mắt khép lại, và thở tự nhiên, không gắng sức. Buông thư thân tâm. Cảm nhận sự kết nối giữa bạn và vũ trụ. Để hơi thở nhẹ nhàng đi khắp châu thân, nhất là vào tim bạn.

Khi đang hít thở, hãy cảm nhận tất cả mọi rào chắn mà bạn đã dựng lên, các tình cảm mà bạn chất chứa vì chưa thể tha thứ cho mình và cho người. Hãy nhận biết cảm giác đau đớn vì đã đóng chặt trái tim bạn.


Phật pháp ứng dụng sức mạnh của sự tha thứ


Sự tha thứ từ người khác

Khi hơi thở len vào tim, hãy cảm nhận bất cứ sự khô cằn nơi đó, hãy lặp lại thầm những lời sau: “Tôi đã làm tổn thương, làm phương hại đến người khác bằng nhiều cách khác nhau. Giờ thì tôi đã nhớ lại. Những cách mà tôi đã phản bội, bỏ rơi, gây đau khổ, một cách cố ý hay vô tình, do đau khổ, sợ hãi, sân hận hay vô minh”. Hãy để mình tự nhớ lại và mường tượng lại các cách mà ta đã làm tổn hại người. Hãy nhìn thấy được những khổ đau mà ta đã gây ra cho người do sợ hãi, vô minh. Cảm nhận được như thế, bạn sẽ cuối cùng buông xuống gánh nặng này và xin được tha thứ. Hãy dành nhiều thời gian để hình dung lại ký ức trĩu nặng tâm bạn. Khi từng khuôn mặt cá nhân hiện lên trong tâm, hãy nhẹ nhàng nói: “Tôi xin được tha thứ. Tôi xin được tha thứ.”

Tha thứ cho bản thân

Để cầu xin sự tha thứ cho bản thân, hãy niệm thầm: “Khi tôi gây đau khổ cho người, bằng nhiều cách tôi cũng bị tổn thương, bị tác hại. Đã bao lần tôi phản bội, hay bỏ rơi bản thân trong ý nghĩ, lời nói hay hành động, một cách cố ý hay vô tình.” Hãy tự nhớ lại những cách mà bạn đã làm tổn hại mình. Và tha thứ cho từng hành động tác hại. “Qua những cách mà tôi đã làm tổn hại bản thân bằng hành động hay ý nghĩ, do sợ hãi, khổ và vô minh, giờ tôi chân thành hối lỗi. Tôi xin tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân. Tôi tha thứ cho bản thân.”

Tha thứ cho người đã làm tổn hại ta

Để phát tâm tha thứ cho những người đã tổn hại ta, hãy lặp lại như sau: “Tôi đã bị tha nhân làm tổn hại, bóc lột, bỏ rơi bằng nhiều cách, dù vô tình hay cố ý, bằng lời nói, ý nghĩ hay hành động.” Hãy hình dung ra những cách bạn cảm thấy bị tổn hại. Hãy ghi nhận chúng. Từng sự tổn hại. Hãy ghi nhớ những điều này là thực đối với bạn, và cảm nhận sự đau buồn bạn đã gánh chịu trong quá khứ. Và giờ bạn cảm nhận rằng mình có thể buông gánh nặng này xuống bằng cách tha thứ dần dần khi tâm bạn đã sẵn sàng. Đừng ép buộc nó; không cần phải buông bỏ mọi muộn phiền trong một lần ngồi thiền.

Quan trọng là thực tập từng bước nhỏ điều gì bạn cảm thấy đã sẵn sàng để tha thứ. Hãy tự nhủ thầm: “Tôi nhớ những cách tôi đã bị tổn thương, làm hại. Và tôi biết đó là do những nỗi sợ hãi, vô minh, khổ, sân hận của tha nhân gây ra. Tôi đã mang vết thương này trong lòng đủ lâu. Vì đã sẵn sàng, tôi xin tha thứ cho người. Người đã tổn hại tôi, tôi chân thành tha thứ cho người. Tôi tha thứ cho người.”

Ba phương cách thực hành tha thứ này có thể được nhẹ nhàng lặp đi, lặp lại cho đến khi bạn cảm thấy tâm thật thanh thản. Đối với một số tổn thương nặng nề, có thể bạn chưa thấy thanh thản. Ngược lại, bạn còn có thể trải nghiệm lại cảm giác tổn thương, sân hận mà bạn từng gánh chịu. Trong trường hợp đó, bạn có thể chỉ nghĩ thoáng qua, rồi tha thứ cho bản thân vì sự chưa sẵn sàng buông bỏ và bước tới.


Xem thêm: