Tinh khiết như hoa sen

“Tịnh-hạnh thành ra đạo-nghi, trong sạch trọn nên giới phẩm. Chí-khí cao như các vòm sao trên bầu trời, uy-nghiêm như gió như mây. Trong tâm ôm -ấp đức -tính con sư -tử, ngoài tướng biểu-hiện cái uy của tượng-vương. Cõi Người cõi Trời khen ngợi vâng theo và các bộ Long-thần đều khâm -phục.”

Mượn lời Tổ đức nêu cao đức tướng uy nghi của bậc xuất thế để nghĩ về một vị Trưởng lão Ni tài đức song toàn, bậc Long Tượng của Ni giới Việt Nam một thời vang bóng. Người đến và đi rực sáng như ngôi sao Bắc Đẩu trên bầu trời nhân thế và tinh khiết như loài sen tỏa ngát hương lành trong khu vườn đạo pháp mênh mông.


Phật pháp ứng dụng tinh khiết như hoa sen

“Tinh khiết như hoa sen 

Rạng ngời như Bắc đẩu 
Xin quay về nương náu 
Bậc thầy của Nhân Thiên”
 

Tôn dung khả kính, đạo hạnh uy nghiêm, mỗi lời nói mỗi bước đi khiến đại chúng cúi đầu quy phục, mỗi tâm nguyện mỗi việc làm đều thể hiện chân tướng bậc đại trượng phu uy dũng. Đó là hình ảnh cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, Viện chủ Tổ đình Huê Lâm, vị lãnh đạo tối cao của Ni bộ Bắc Tông một thời; vị thầy đức hạnh, mẫu mực của Ni giới; là Giáo Thọ sư mà Ni chúng khắp nơi tâm nguyện nương về tu học; là vị Tuyên Luật sư mà bao thế hệ chư Ni mong nhờ ân đức của Người được lãnh thọ giới pháp.

Sư trưởng vốn xuất thân con nhà quan lại, gia phong nề nếp tại làng Tăng Nhơn Phú huyện Thủ Đức - nay là quận 9, TP. HCM. Ngoài hai mươi tuổi, Người quyết chí từ bỏ gia đình, tìm thầy xuất gia, tham cầu học đạo từ Sài Gòn xuôi xuống miền Tây, ra tận Huế rồi trở vào Bình Định dừng chân tại chùa Thập Tháp, cầu học những bộ kinh đại thừa thâm diệu với những vị Đại đức danh sư lúc bấy giờ. Sau đó Người tiếp tục ra Bắc cầu thọ Đại giới và tham học các bộ luật căn bản, luật Tứ phần Tỳ Kheo Ni và nghiên cứu Luật Tạng. Là người thông minh mẫn tiệp, Sư trưởng tiếp thu nghĩa lý kinh luật sâu xa rất tường tận nhanh chóng, chư Tôn đức giáo thọ đương thời khi trùng tuyên giáo điển cho Người đều hết lời khen ngợi tán thán.

Sau thời gian du phương cầu học viên mãn, năm 1942… Người trở về Nam bắt đầu công việc hoằng pháp lợi sanh. Trước tiên là mở lớp dạy Luật tại chùa Hội Sơn (Thủ Đức) trong 3 tháng, chư Ni từ Nha Trang, Mỹ Thọ cũng đến tham học. 


“Mùa an cư năm ấy, Sư cụ Diệu Tấn, chư Ni theo kịp trào lưu tiến hóa của xã hội về mọi phương diện qua các thời đại, trong khuôn khổ giới luật, kỷ cương theo lời Phật dạy.”
 
Năm 1945, Sư trưởng nhận lời ông bà Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc về trụ trì chùa Huê Lâm Quận 11 và bắt đầu công việc kiến thiết tu sửa biến nơi đây thành một chốn Già Lam tôn nghiêm thanh tịnh. Hai năm sau, Phật Học Viện Huê Lâm ra đời, chư Ni các nơi về theo học rất đông. Lớp học chúng đầu tiên ngày ấy sau này đều là bậc Ni trưởng đạo cao đức trọng, là bậc mô phạm để hàng Ni chúng và phật tử cùng nương về tu tập học đạo. Tiếp đến Người lập thêm những ngôi Tự Viện từ Sài Gòn đến khu Đại Tòng Lâm và thành phố Vũng Tàu để chúng Ni sau khi tốt nghiệp Học Viện về đây cùng làm phật sự, tiếp nối sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, báo ân Tổ đức.

Ngoài việc thành lập Ni trường nuôi dạy học chúng, Sư trưởng cũng mở ra các trường Trung Tiểu học Kiều Đàm miễn phí cho con em các gia đình nghèo đến học, lập Ký Nhi Viện, phòng thuốc nam cùng các cơ sở tự túc và từ thiện xã hội… Tất cả các cơ sở đó chỉ với mục đích giúp đỡ xoa dịu những mất mát đau thương thời chiến sự và nuôi dưỡng ý chí tự lập cho học chúng môn đồ. “Người nâng đỡ, dìu dắt chư Ni theo kịp trào lưu tiến hóa của xã hội về mọi phương diện qua các thời đại, trong khuôn khổ giới luật, kỷ cương theo lời Phật dạy.”


 Với tài năng lãnh đạo và chí khí hơn người, năm 1956, Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, Sư trưởng bày tỏ ý nguyện thống nhất Ni bộ và được chư Tôn Đức trong Giáo hội ủng hộ. Thế là Người đích thân đi đến các chùa Ni từ miền Đông qua miền Tây Nam bộ để vận động chư Ni cùng đoàn kết thống nhất và nâng đỡ khuyến khích những vị hữu tài thực đức, nhiệt tâm vì đạo cùng đứng ra lãnh đạo vì sự phát triển chung của Ni giới. 

Không bao lâu, Ban quản trị Ni bộ ra đời có nội quy riêng, tổ chức hành chánh riêng, trụ sở đặt tại chùa Huê Lâm. Được sự tín nhiệm và ủng hộ của Giáo hội và đại chúng, Người được suy tôn là Sư trưởng lãnh đạo Ni bộ Bắc Tông. Năm đó Sư trưởng mới 46 tuổi. “Bằng cả trí tuệ, tài năng và sự quyết tâm làm rạng rỡ Ni giới, Người đã tìm được một vị trí xứng đáng, vững chắc cho Ni chúng trong hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam”

Xây chùa lập Tự Viện, mở Ni trường thâu học chúng các nơi về tu tập khai thông trí tuệ. Sư trưởng còn là Giáo thọ sư, Giảng sư Ni nổi tiếng về tư tưởng Đại Thừa Liễu Nghĩa, là bậc Hạnh Giải kiêm ưu, hành trì Giới luật rất nghiêm mật. Người đem hết tinh hoa Đạo pháp tham học nghiên cứu bao năm truyền trao lại cho đại chúng. Không chỉ chư Ni trẻ mà các vị Lão Ni có danh tiếng trong sự nghiệp hoằng pháp từ miền Trung đến miền Nam đều có tham học và thọ giáo Sư trưởng.


Dù rất bận rộn với các công việc của Ni bộ, của Ni trường, việc trong việc ngoài, việc đạo việc đời… nhưng khi đêm xuống, trong thư phòng tĩnh lặng, cảnh vật xung quanh lắng đọng thanh tịnh cũng là lúc Sư trưởng bắt đầu công việc trước tác dịch thuật của một Học giả yêu thích văn chương thi phú. Cho đến ngày Người về Phật (26-01 năm Kỷ Mão/1999) chúng đệ tử tại Tổ đình đã sưu tầm những tác phẩm còn lưu lại của Người gồm 3 phần “Trước tác biên soạn, dịch thuật và thi phẩm” khoảng trên dưới 30 đầu sách, đa phần là bản đánh máy, được Người trước tác và phiên dịch ròng rã trong 60 năm.

Sơ lược về hành trạng của Sư trưởng, chúng ta hiểu được đôi nét khái quát về một bậc trưởng lão Ni có chí khí tài năng vượt bực. Với tài năng chí khí ấy, Người tạo dựng sự nghiệp hoằng pháp vì lợi ích chúng sanh nhưng trên hết vì sự phát triển của Ni giới. Vượt qua mọi rào cản ràng buộc cùng những định kiến phân biệt của thời đại phong kiến, Người mạnh dạn cất lên tiếng nói đầy uy lực và nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng Ni giới trở thành một tập thể đoàn kết, một tổ chức hợp nhất có quy tắc chuẩn mực riêng trong ngôi nhà chung của Đạo pháp.

Gần hai thập niên… hình bóng tôn dung bậc đại Ni trưởng Lão đã không còn hiện hữu nhưng hạnh nguyện lợi tha, công đức tu tập một đời của Người vẫn ghi đậm dấu ấn qua mỗi hành trình dấn thân của Ni giới ngày nay. Là bậc lãnh đạo tối cao trong Ni bộ, có tầm ảnh hưởng sâu rộng với mọi giới mọi miền, nhưng trong nếp sống hằng ngày, Người vẫn giữ sự khiêm cung bình dị và rất nghiêm túc hành trì giới luật trong mọi lúc mọi nơi. Chính sự nghiêm trì giữ giới mà phong thái của Người luôn toát lên vẻ uy vũ mà đức độ, nghiêm khắc mà lại bao dung hòa nhã. Và cũng chính sự nghiêm trì giới luật mà trải qua các kỳ Đại giới đàn từ tổ chức tại Sài Gòn và các tỉnh thành từ năm 1946 đến 1989, Sư trưởng luôn được chư Tôn đức, Hội đồng Ni bộ cung thỉnh Người làm Hòa thượng Đàn đầu truyền trao giới pháp cho giới tử Ni.

Giới luật tạo nên đạo phong cốt cách, là lẽ sống thanh cao, là uy lực tối thượng của người xuất gia đầu tròn áo vuông sống đời tịnh hạnh. Là người lãnh đạo Ni bộ nên Sư trưởng rất quan tâm đến việc oai nghi tế hạnh của đại chúng. Từng cử chỉ lời nói đi đứng nằm ngồi của Người luôn thể hiện khuôn vàng thước ngọc để Ni chúng noi theo. Chư Ni trẻ ngày ấy nghe danh Sư trưởng đều rất e ngại lo sợ khi được thầy tổ gởi về Huê Lâm tu học. Thế nhưng khi được gần gũi kề cận bên Người, ai cũng nhìn thấy sự nghiêm khắc ấy toát lên cả tấm lòng từ ái khoan dung độ lượng. Người luôn quan tâm đến mọi người, nhất là người già bệnh tật, những người kém may mắn trong xã hội. Khi tiếp cận với bất cứ ai, Người đều đối xử bình đẳng, không phân biệt nghèo hèn hay giàu sang địa vị. Còn với đại chúng… Người đều xem như đệ tử dạy bảo tận tình khuyến tấn tu học, không phân biệt vùng miền, là đệ tử của ai.

Trải qua bao cuộc thăng trầm biến đổi… bến sông xưa dù đã thay dòng nhưng mạch nguồn vẫn tuôn chảy qua muôn ngõ ngách của cuộc thế. Trên nền móng cũ vững vàng, Phân ban Đặc trách Ni giới Việt Nam được thành lập, một lớp Ni trẻ có tài năng, có học hạnh đang từng bước mở ra một chân trời mới để Ni giới Việt Nam phát triển và hòa nhập vào cộng đồng thế giới. Và rồi đây một lớp Hoằng Luật Ni nội trú đầu tiên cũng sẽ được khai giảng trong niềm vui và kỳ vọng của bao người.

Tất cả những thành quả mà Ni giới Việt Nam có được ngày nay đều thừa hưởng từ kho tàng trí huệ, từ năng lực xuất trần của tiền nhân để lại. Dấu ấn thời gian càng tô đậm thêm khí chất của bực Ni lưu và những người con gái Đức Như Lai dù đến dù đi vẫn lan tỏa cho đời mùi hương sen diệu mầu thanh khiết.


Xem thêm: